Chào các bạn, nếu đây là lần đầu các bạn đọc bài viết của mình thì mình xin giới thiệu bản thân một chút. Mình là Tâm, mình từng học ĐH Kinh tế Tp.HCM (UEH). Mình hay chia sẻ về những điều mình học được trong thời gian học đại học và đi làm.
Để tiếp nối sự ủng hộ của các bạn cho bài viết “3 Điều Giúp Mình Được 9.4/10 Điểm Khóa Luận Tốt Nghiệp Tại UEH” (hơn 2.2k lượt shares, gần 4k downloads, link bài viết tại bit.ly/2Kg4eE4). Mình quyết định nhìn lại, tổng hợp và chia sẻ về những điều mà mình tin rằng mình đã làm tốt khi viết CV tìm kiếm vị trí internship & full-time job, giúp mình chinh phục các nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bài viết này còn có ý kiến đóng góp từ một số bạn bè của mình, đã và đang làm việc tại các công ty đa quốc gia khác nhau.
Hy vọng phần chia sẻ này sẽ giúp các bạn sinh viên UEH nói riêng và tất cả các bạn sinh viên nói chung viết CV tốt hơn.
1. HÃY MARKETING BẢN THÂN MỘT CÁCH BÀI BẢN & CÓ CĂN CỨ
Trong 2 CV tìm kiếm vị trí internship và full-time job phía dưới, khi nói về kinh nghiệm làm việc và tham gia hoạt động ngoại khoá, mình thể hiện sự bài bản bằng việc tập trung vào việc trả lời những câu hỏi quan trọng sau đây:
- WHO: Làm việc cho tổ chức nào? Mô tả ngắn gọn về tổ chức đó?
- WHAT & WHEN: Vị trí và vào khoảng thời gian nào?
- WHY = OBJECTIVE: Tại sao công việc đó phải được làm? = Mục đích của công việc đó là gì?
- HOW = RESPONSIBILITIES: Trách nhiệm/ Công việc cụ thể của bạn gồm những gì?
- RESULTS: Kết quả cụ thể bạn mang lại như thế nào?
Cũng trong 2 CV này, những căn cứ mà mình đưa ra dưới dạng: những con số cụ thể về kết quả công việc khi làm intern (nói cách khác là KPIs), những thành tựu với những con số cụ thể khi hoạt động CLB tại UEH, điểm số của chứng chỉ IELTS, GPA và điểm trung bình của các môn học,… Càng cụ thể, càng thuyết phục.
Vậy nếu bạn chưa từng tham gia CLB/Đ/N nào thì sao?
Không sao cả, vì đã có giải pháp. Lời khuyên chân thành của mình là: hãy tham gia một CLB/Đ/N nhanh nhất có thể (nếu bạn chưa phải là sinh viên năm cuối); hoặc tự một mình/ cùng với 1 team nào đó launch một dự án (sinh viên năm nào làm cũng được). Mục tiêu của cả 2 cách làm này đều là để bạn học được những kỹ năng hữu ích cho công việc về sau. Đừng launch một dự án hay tham gia CLB/Đ/N chỉ để học đại một số kĩ năng nào đó hoàn toàn không cần thiết, hoặc tham gia chỉ để làm những điều vô bổ. Bạn tích lũy được càng sâu và càng nhiều kỹ năng/ kinh nghiệm có ích cho công việc trong tương lai thì càng tốt.
Một số gợi ý về các dự án có thể launch:
- Tổ chức các dự án trồng rừng/ dọn rác/ làm từ thiện/…
- Xây dựng các kênh content cho sinh viên cùng trường/ khác trường.
- Thu gom sách cũ của các khoá và bán lại cho các khoá sau.
- Tập hợp các bạn giỏi và tổ chức các lớp học kèm (có thu phí) các môn học tại trường cho các bạn yếu.
- Thành lập hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ tổ chức event.
- …
Về internship, nếu bạn được làm việc thực và tạo ra kết quả thực thì quá tốt. Xin chúc mừng bạn.
Nhưng nếu bạn thực sự chỉ đang “rót nước pha trà” tại một vị trí không cho bạn cơ hội làm việc thực và tạo ra kết quả thực thì sao?
Mình nghĩ, bạn có 2 sự lựa chọn: tích cực và cố gắng tập trung học nhiều nhất có thể, sau đó “đường ai nấy đi”; nếu những thứ có thể học được quá ít so với mong đợi và bạn không có ràng buộc trong việc hoàn thành báo cáo/ khóa luận tốt nghiệp tại đây, hãy nghỉ và tìm một nơi khác tốt hơn. Dù là lựa chọn nào thì bạn hoàn toàn có thể apply làm intern thêm một/ một số lần nữa tại những nơi khác để tích lũy thêm kỹ năng/ kinh nghiệm bạn thấy cần thiết. Không nên quá áp lực bởi bạn bè xung quanh đứa nào “job cũng ngon”. “Đường dài mới biết ngựa hay”.
Mình có viết một bài về kinh nghiệm tìm cơ hội thực tập, các bạn vào website phía cuối bài để tìm đọc nếu thực sự quan tâm nhé!
2. VỨT BỎ NHỮNG THỨ KHÔNG CẦN THIẾT
Vì sao phải làm thế?
Câu trả lời không phải là nhà tuyển dụng không có thời gian. Mà là họ không có thời gian cho những việc vô giá trị. Vậy nên đừng phí thời gian của họ và thay vào đó hãy thể hiện mình là một người có sự nghiêm túc tìm hiểu về công việc đang ứng tuyển.
Nếu mình cầm cái CV phía dưới của mình (có phần work experience) để apply cho một vị trí permanent full-time job liên quan đến HR/ Marketing/ Finance thì khả năng cao là fail từ “vòng gửi xe”.
Nếu bạn đang apply cho một công ty có văn hoá chơi thể thao thì đừng chỉ đề cập chuyện bạn thích nhạc jazz.
Nếu bạn có cả chứng chỉ TOEIC (2 kỹ năng nghe và đọc) và IELTS, và nhà tuyển dụng yêu cầu tiếng Anh giao tiếp tốt thì đề cập thêm điểm TOEIC là không cần thiết.
Bạn đính kèm link tài khoản Facebook cá nhân của mình trong CV để làm gì? Nhà tuyển dụng liệu có cần biết địa chỉ nơi ở của bạn không hay thông tin đó chỉ làm mất thêm thời gian đọc của người ta?…
Vậy đâu là những thứ cần thiết? Câu trả lời nằm hết ở phần mô tả công việc các bạn nhé!
3. HIỂU & TUÂN THỦ NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN
Ví dụ:
- Một CV chuẩn nên có các phần sau (thông tin cá nhân, education, work experience – lược bỏ nếu không có kinh nghiệm làm việc, extra-curricular activities, skills, awards & interests).
- Nhiều công ty đa quốc gia sẽ quét CV bằng máy, vì vậy nên dùng những keywords phù hợp + chuẩn về font/ size/…
- Ngắn gọn.
- Chèn hình ảnh vào CV: tuỳ, nhưng sẽ có rủi ro nếu chèn (bạn sẽ không bao giờ biết được người đọc và chấm CV cho bạn có cảm tình với hình của bạn hay không, bạn sẽ không bao giờ biết được họ có hiểu biết về nhân tướng học hay không,…). Mình đã chèn hình ảnh vào CV khi apply cho internship, chắc mình gặp may. Mình nghĩ tốt nhất là không nên chèn.
- Những skills mà các bạn sinh viên hay liệt kê và TỰ ĐÁNH GIÁ mức độ thành thạo của mình theo một thang điểm nào đó (dùng hình ngôi sao, dùng hình cột,…): thay vào đó, hãy dùng những tiêu chuẩn/ chứng chỉ được công nhận rộng rãi.
- …
Link tải nguyên văn CV: download
Link tổng hợp các bài viết của mình dành cho sinh viên: tamphan.blog/blog
SHARE CHO BẠN BÈ NẾU BẠN THẤY NÓ HỮU ÍCH NHÉ!